Skip navigation

5.2. Biến cố (sự kiện), quan hệ giữa các biến cố

Khái niệm

Trong lí thuyết xác suất, sự kiện được hiểu như là một sự việc, một hiện tượng nào đó của cuộc sống tự nhiên và xã hội.

Phép thử ngẫu nhiên (hay còn gọi là phép thử) là một hành động hay thí nghiệm mà ta không đoán trước được kết quả của nó, tuy nhiên có thể xác định được tập hợp tất cả các kết quả có thể có của phép thử đó.

Ví dụ: Gieo một con xúc xắc đồng chất trên một mặt phẳng (phép thử). Phép thử này có 6 kết quả là: xuất hiện mặt 1 chấm, mặt 2 chấm, ..., mặt 6 chấm. Mỗi kết quả này cùng với các kết quả phức tạp hơn như: xuất hiện mặt có số chấm là số nguyên tố, mặt có số chấm chẵn, mặt có số chấm là bội của 2, đều có thể coi là các sự kiện.

Như vậy kết quả của một phép thử là một trường hợp riêng của sự kiện. Sự kiện được gọi là tất yếu, nếu nó chắc chắn xảy ra, và được gọi là bất khả, nếu nó không thể xảy ra khi thực hiện phép thử. Còn nếu sự kiện có thể hoặc không xảy ra sẽ được gọi là sự kiện ngẫu nhiên.

Để mô tả một phép thử, người ta xác định một tập hợp các kết quả của nó. Tập hợp tất cả các kết quả của một phép thử tạo thành không gian các sự kiện sơ cấp (hay không gian mẫu), kí hiệu là $\Omega$. Chẳng hạn, trong Ví dụ trên, nếu kí hiệu
$A_i$ là sự kiện xuất hiện mặt $i$ chấm ($i = 1, 6$) thì $\Omega=\{A_1,A_2,A_3,A_4,A_5,A_6\}$.

Quan hệ giữa các biến cố

  1. Kéo theo ($A\subset B$): nếu $A$ xảy ra thì $B$ xảy ra
    $A:$ mặt trên của xúc xắc có 1 chấm,
    $B:$ mặt trên của xúc xắc có số chấm là số lẻ
  2. Bằng nhau (tương đương): $A\subset B$ và $B\subset A$
    $A:$ mặt trên của xúc xắc là $\{2,4,6\}$,
    $B:$ mặt trên của xúc xắc có số chấm là số chẵn
  3. Tổng ($A+B$ hoặc $A\cup B$): $A$ hoặc $B$ xảy ra.
    $A:$ người A bắn trúng mục tiêu,
    $B:$ người B bắn trúng mục tiêu.
    Vậy $A+B:$ có ít nhất một người bắn trúng mục tiêu.
  4. Hiệu ($A\setminus B$): $A$ xảy ra nhưng $B$ không xảy ra.
    $A:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số lẻ,
    $B:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số nguyên tố nhỏ hơn 5.
    Vậy $A\setminus B:$ mặt trên xúc xắc có 1 và 5 chấm.
  5. Tích ($A\cdot B$ hoặc $A\cap B$): $A$ và $B$ đồng thời xảy ra
    $A:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số chẵn,
    $B:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số nguyên tố.
    Vậy $A\cdot B:$ mặt trên xúc xắc có 2 chấm.
  6. Xung khắc: $A$ và $B$ không đồng thời xảy ra ($A\cdot B=\varnothing$)
    $A:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số chẵn,
    $B:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số lẻ.
  7. Đối lập ($\overline{A}$): biến cố không xảy ra biến cố $A$
    $A:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số chẵn,
    $\overline{A}:$ mặt trên xúc xắc có số chấm là số lẻ.
    Chú ý: $A+\overline{A}=\Omega, \quad A\cdot \overline{A}=\emptyset$.
  8. Hệ đầy đủ: Dãy $\{A_1,A_2,\cdots,A_n\}$ thỏa mãn $$\begin{cases}A_i\cap A_j=\emptyset, \forall i\neq j\\A_1\cup\cdots\cup A_n=\Omega.\end{cases}$$