Skip navigation

5.3. Khái niệm xác suất

Các định nghĩa về xác suất

Định nghĩa xác suất dạng cổ điển

Giả sử một phép thử với $n$ kết quả đồng khả năng, trong đó có $m$ kết quả thuận lợi cho sự kiện $A$. Khi đó xác suất của sự kiện $A$, kí hiệu là $P(A)$, được cho bởi: $$P(A)=\dfrac{m}{n}=\dfrac{\text{số kết quả thuận lợi cho } A}{\text{Số kết quả đồng khả năng}}.$$

Ví dụ: Trong hộp đựng 20 viên đạn gồm 14 viên màu đỏ và 6 viên màu trắng. Lấy ngẫu nhiên (không hoàn lại) 5 viên đạn từ trong hộp. Tính xác suất để trong 5 viên đạn lấy ra có 3 viên đỏ. Biết rằng các viên đạn giống nhau.

Tính chất:

Tính chất 1: Nếu $A$ là một sự kiện thì xác suất của $A$ thỏa mãn $0\leq P(A) \leq 1$.

Tính chất 2: Nếu $A$ là một sự kiện và kí hiệu $\overline{A}$ là sự kiện phủ định của $A$ thì $P(A)+P(\overline{A})=1$.

Định nghĩa xác suất theo phương pháp thống kê

Giả sử ta tiến hành $n$ phép thử với cùng một hệ điều kiện thấy có $n_A$ lần xuất hiện sự kiện $A$. Số $n_A$ được gọi là tần số xuất hiện sự kiện $A$ và tỉ số: $$f_n(A)=\dfrac{n_A}{n}$$ gọi là tần suất xuất hiện sự kiện $A$.

Ta nhận thấy rằng khi $n$ thay đổi, $n_A$ thay đổi vì thế $f_n(A)$ cũng thay đổi. Tuy nhiên, trên cơ sở quan sát lâu dài các phép thử khác nhau người ta nhận thấy tần suất xuất hiện một sự kiện có tính ổn định trong các loạt phép thử khác nhau và dao động xung quanh một hằng số xác định. Đặc tính ổn định của tần suất khi số phép thử tăng lên khá lớn cho phép ta định nghĩa xác suất của sự kiện là trị số ổn định đó của tần suất xuất hiện sự kiện. Và nó được gọi là định nghĩa thống kê của xác suất.

Xem mô phỏng định nghĩa xác suất theo phương pháp thống kê.

Định nghĩa xác suất theo hình học

Xét một phép thử với vô hạn kết quả đồng khả năng, giả sử có thể thiết lập sự tương ứng một - một mỗi thuận lợi cho sự kiện $A$ với một điểm thuộc miền $A \subset \Omega$ có độ đo là $m(A)$. Khi đó xác suất sự kiên $A$ là: $$P(A)=\dfrac{m(A)}{m(\Omega)}.$$

Ví dụ: Một đường cáp quang nối Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh dài 1800 km gặp sự cố kĩ thuật làm tắc nghẽn thông tin liên lạc. Sự cố kĩ thuật có thể xảy ra ở bất cứ một vị trí nào của đường cáp quang với cùng một khả năng. Tính xác suất để sự cố kĩ thuật xảy ra cách Hà Nội không quá 200km.

Nguyên lý xác suất nhỏ, xác suất lớn

“Nếu một sự kiện có xác suất rất nhỏ thì thực tế có thể cho rằng sự kiện đó sẽ không xảy ra trong một (một vài) phép thử ở tương lai”.

Một sự kiện có thể coi là có xác suất nhỏ tuỳ thuộc vào bài toán cụ thể. Chẳng hạn mỗi chiếc máy bay đều có một xác suất rất nhỏ bị xảy ra tai nạn (như ví dụ trên là 0,000133%). Nhưng trên thực tế ta vẫn không từ chối đi máy bay vì tin rằng trong chuyến bay ta đi sự kiện máy bay rơi không xảy ra.

Hiển nhiên việc quy định một mức xác suất thế nào được gọi là nhỏ sẽ phụ thuộc vào từng bài toán cụ thể. Chẳng hạn nếu xác suất để máy bay rơi là 0,01% thì xác suất đó chưa thể được coi là nhỏ. Song nếu xác suất một chuyến tàu khởi hành chậm là 0,01% thì có thể coi rằng xác suất này là nhỏ.

Mức xác suất nhỏ này được gọi là mức ý nghĩa. Nếu $\alpha$ là mức ý nghĩa thì số $\beta=1-\alpha$ gọi là độ tin cậy. Khi dựa trên nguyên lí xác suất nhỏ ta nói rằng: “Sự kiện $A$ có xác suất nhỏ (tức là $P(A)\leq \alpha$) sẽ không xảy ra trên thực tế với độ tin cậy là $\beta$. Mức ý nghĩa và độ tin cậy được làm rõ hơn trong mục Ước lượng khoảng

Tương tự, ta có thể đưa ra Nguyên lý xác suất lớn: “Nếu sự kiện $A$ có xác suất lớn (gần bằng 1) thì trên thực tế có thể hiểu sự kiện đó sẽ xảy ra trong một (hoặc một vài) phép thử tiếp theo”.