Skip navigation

2.3.2 Khai triển một hàm thành chuỗi lũy thừa

Giả sử hàm số $f(x)$ có đạo hàm mọi cấp trong một lân cận nào đó của $x_{0}$ và có thể biểu diễn dưới dạng tổng của một chuỗi lũy thừa trong lân cận ấy. Khi đó ta có thể viết: $$f\left(x\right)=a_{0}+a_{1} \left(x-x_{0}\right)+a_{2}\left(x-x_{0}\right)^{2}+a_{3} \left(x-x_{0}\right)^{3} +\cdots +a_{n} \left(x-x_{0} \right)^{n} +\cdots $$ trong đó $a_{0},a_{1} ,a_{2},\cdots,a_{n}\cdots$ là các hằng số.

Theo Tính chất 4, trong khoảng hội tụ của chuỗi lũy thừa $\sum\limits_{n=0}^{+\infty }a_{n} x^{n}$ ta có \begin{align}f'\left(x\right)&=a_{1} +2a_{2}\left(x- x_{0}\right)+3a_{3} \left(x- x_{0} \right)^{2} +\cdots +na_{n} \left(x- x_{0} \right)^{n-1} +\cdots\\f^{''}\left(x\right)&=2a_{2}+2.3a_{3}\left(x- x_{0} \right)+\cdots +\left(n-1\right)na_{n} \left(x- x_{0} \right)^{n-2} +\cdots\\\vdots\\f^{(n)}\left(x\right)&=n!a_{n} +\cdots\end{align}

Thế $x=x_{0}$ vào các đẳng thức trên ta được $$f\left(x_{0}\right)=a_{0},\quad f'\left(x_{0}\right)=a_{1},\quad f^{''}\left(x_{0} \right)=2!a_{2},\quad\cdots,\quad f^{(n)} \left(x_{0} \right)=n!a_{n} \cdots$$

Hay $a_0=f(x_{0});\quad a_{1}=\dfrac{f'(x_{0} )}{1!};\quad a_{2}=\dfrac{f^{''}(x_{0} )}{2!};\quad\cdots ;\quad a_{n} =\dfrac{f^{(n)} (x_{0} )}{n!};\quad\cdots$.

Khi đó ta có khai triển Taylor hàm $f(x)$ trong lân cận điểm $x=x_0$ là $$f(x)=f(x_{0} )+\frac{f'(x_{0} )}{1!} (x-x_{0} )+\dfrac{f^{''}(x_{0} )}{2!} (x-x_{0} )^{2} {\rm \; }+\cdots +\dfrac{f^{(n)} (x_{0} )}{n!} (x-x_{0} )^{n} +\cdots$$ Đặc biệt, khi  $x_{0} =0$ thì $$f(x)=f(0)+f'(0)x+\dfrac{f^{''}(0)}{2!} x^{2} {\rm \; }+\cdots +\dfrac{f^{(n)} (0)}{n!} x^{n} +\cdots$$ chuỗi Taylor được gọi là chuỗi Maclaurin.

Điều kiện để có thể khai triển 1 hàm thành chuỗi Taylor

Định lý 1. Giả sử hàm số $f(x)$ có đạo hàm mọi cấp trong một lân cận nào đó của $x=x_{0} $ và $${\mathop{\lim }\limits_{n\to +\infty }} \dfrac{f^{(n+1)} (\xi )}{(n+1)!} (x-x_{0} )^{n+1} =0,{\rm \; \; \; \; \; }\text{với }\xi \in (x_{0} ,x)$$ thì có thể khai triển $f(x)$ thành chuỗi Taylor trong lân cận ấy.

Định lý 2. Giả sử hàm số $f(x)$ có đạo hàm mọi cấp trong một lân cận nào đó của $x=x_{0} $ và trị tuyệt đối của mọi đạo hàm đó đều bị chặn bởi cùng một số trong lân cận ấy thì có thể khai triển thành chuỗi Taylor trong lân cận ấy.

Ví dụ

Ví dụ 9. Khai triển thành chuỗi Maclaurin hàm $f(x)=e^{x} $.  

Hướng dẫn. Nhận xét với mọi $x\in \mathbb{R}$, $f(x)$ có đạo hàm mọi cấp, chúng đều bằng $e^{x} $  $$f\left(x\right)=f' \left(x\right)=f^{"} \left(x\right)=\cdots =f^{(n)} \left(x\right)=e^{x}$$Tại $x_{0}=0$: $f\left(0\right)=f'\left(0\right)=f^{''}\left(0\right)=\cdots =f^{(n)} \left(0\right)=e^{0}=1$ nên chuỗi MacLaurin của $f(x)=e^{x} $ (nếu có) có dạng $$1+x+\dfrac{x^{2} }{2!} +\cdots +\dfrac{x^{n} }{n!} +\cdots $$ Giả sử $N$ là số dương cố định, bất kỳ, ta luôn có $|f^{(k)} (x)|=e^{x} <e^{N}=M,\,\forall k\ge 1,{\rm \; }\forall x\in (-N,N)$.

Theo Định lý 2, $f(x)=e^{x}$ khai triển được thành chuỗi Maclaurin trong lân cận $(-N,N)$ của điểm $x=x_{0}=0$. Vì $N$ bất kỳ nên $f(x)$ khai triển được thành chuỗi Maclaurin trên $\mathbb{R}$ và ta có: $$e^{x} =1+x+\dfrac{x^{2} }{2!} +\cdots +\dfrac{x^{n} }{n!} +\cdots\quad \text{hay}\quad e^{x}=\sum\limits_{n=0}^{+\infty }\dfrac{x^{n} }{n!}.$$

Ví dụ 10. Khai triển thành chuỗi Maclaurin hàm $f(x)=\sin x$.  

Hướng dẫn. tương tự Ví dụ 9.

Nhận xét với mọi $x\in \mathbb{R}$: $f(x)$ có đạo hàm mọi cấp: \begin{align}f'(x)&=\cos x=\sin \left(x+\dfrac{\pi }{2} \right),\\f^{''}({x})&=\cos \left(x+\dfrac{\pi }{2} \right)=\sin \left(x+2\dfrac{\pi }{2} \right),\\f^{'''}(x)&=\cos \left(x+2\dfrac{\pi }{2} \right)=\sin \left(x+3\dfrac{\pi }{2} \right),\\&\vdots\\f^{(n)} (x)&=\sin \left(x+n\dfrac{\pi }{2} \right).\end{align}

Tại $x_{0}=0$: $f^{(n)}\left(0\right)=\sin n\dfrac{\pi }{2}=\left\{\begin{array}{l} {0,{\rm \; \; }n=2k,} \\ {1,{\rm \; \; }n=2k+1.} \end{array}\right.$

Nên chuỗi Maclaurin của $f(x)=\sin x$ có dạng: $$x+\dfrac{x^{3} }{3!} +\dfrac{x^{5} }{5!} \cdots +\dfrac{x^{2k+1} }{(2k+1)!} +\cdots $$

Giả sử $N$ là số dương cố định, bất kỳ, ta luôn có: $$|f^{(k)} (x)|=\left|\sin \left(x+k\frac{\pi }{2} \right)\right|\le 1,{\rm \; }\forall k\ge 1,{\rm \; }\forall x\in\mathbb{R}.$$

Theo Định lý 2, $f(x)=\sin x$ khai triển được thành chuỗi Maclaurin trong lân cận của điểm $x=x_{0}=0$ (khai triển được thành chuỗi Maclaurin trên $\mathbb{R}$) $$\sin x=x+\dfrac{x^{3}}{3!} +\dfrac{x^{5} }{5!} \cdots +\dfrac{x^{2k+1} }{(2k+1)!} +\cdots \quad\text{hay}\quad \sin x=\sum\limits_{n=0}^{+\infty }\dfrac{x^{2n+1} }{(2n+1)!}.$$

Tương tự, ta có kết quả khai triển Maclaurin của hàm $f(x)=\cos x$ là $$\cos x=1-\dfrac{x^{2} }{2!} +\dfrac{x^{4} }{4!} \cdots +(-1)^{k} \dfrac{x^{2k} }{(2k)!} +\cdots \quad \text{hay}\quad \cos x=\sum\limits_{n=0}^{+\infty }(-1)^{n} \dfrac{x^{2n} }{(2n)!}.$$