Skip navigation

6.4. Đạo hàm hàm ẩn

Khái niệm hàm ẩn

Cho hệ thức giữa 2 biến $x,y$ có dạng $$F(x,y)=0.\label{2.3.1}\tag{1}$$ Nếu với mỗi trị $x=x_{0} $ trong một khoảng nào đó, có 1 hay nhiều trị xác định $y=y_{0} $ sao cho $F(x_{0} ,y_{0} )=0$ thì ta nói hệ thức \eqref{2.3.1} xác định một hay nhiều hàm ẩn $y$ theo $x$ trong khoảng ấy.

Ví dụ 9

Hệ thức $x^{3} +y^{3} -3=0$ xác định 1 hàm ẩn (dạng tường minh) trên $\mathbb{R}$ là $y=\sqrt[{3}]{3-x^{3} }$.

Hệ thức $x^{2} +y^{2} -4=0$ xác định 2 hàm ẩn (dạng tường minh) trên ${\rm [}-2,2]$ là $y=\pm \sqrt{4-x^{2}} $.             

Hệ thức $x^{2} +y^{2} +4=0$ không xác định 1 hàm ẩn nào.

Hệ thức $x^{y} -y^{x} =0{\rm \; }(x>0,y>0)$ không rút được $y$  theo $x$ (không tìm được biểu thức của hàm ẩn dưới dạng tường minh).

Tương tự:

  1. Hệ thức giữa 3 biến $x,y,z$ dạng $$F(x,y,z)=0\label{2.3.2}\tag{2}$$ có thể xác định một hay nhiều hàm ẩn $z$ của 2 biến $x,y$.
  2. Hệ phương trình $$\left\{\begin{array}{l} {F(x,y,z,u,v)=0} \\ {G(x,y,z,u,v)=0} \end{array}\right. \label{2.3.3}\tag{3}$$ có thể xác định một hay nhiều cặp hàm ẩn $u,v$ của 3 biến $x,y,z$.

Các định lý (về sự tồn tại, liên tục và khả vi của các hàm ẩn)

Các định lý (về sự tồn tại, liên tục và khả vi của các hàm ẩn).

Định lý 1. Giả sử $F(x_{0} ,y_{0} )=0$. Nếu $F(x,y)$ có các đạo hàm riêng liên tục ở lân cận điểm $M_{0} (x_{0} ,y_{0} )$ và nếu $F'_{y} (M_{0} )\ne 0$ thì hệ thức \eqref{2.3.1} xác định một hàm ẩn $y=f(x)$ trong một lân cận nào đó của $x_{0} $, hàm ấy có trị $y_{0} $ khi $x=x_{0} $, nó liên tục và có đạo hàm liên tục trong lân cận của $x_{0} $.

Định lý 2.  Giả sử $F(x_{0} ,y_{0} ,z_{0} )=0$. Nếu $F(x,y,z)$ có các đạo hàm riêng liên tục ở lân cận điểm $M_{0} (x_{0} ,y_{0} ,z_{0} )$ và nếu $F'_{z} (M_{0} )\ne 0$ thì hệ thức \eqref{2.3.2} xác định một hàm ẩn $z=f(x,y)$ trong một lân cận nào đó của điểm $(x_{0} ,y_{0} )$, hàm ấy có trị $z_{0} $ khi $x=x_{0} ,y=y_{0} $, nó liên tục và có các đạo hàm liên tục trong lân cận của điểm $(x_{0} ,y_{0} )$.

Định lý 3. Giả sử $F(x_{0} ,y_{0} ,z_{0} ,u_{0} ,v_{0} )=0;{\rm \; }G(x_{0} ,y_{0} ,z_{0} ,u_{0} ,v_{0} )=0$. Nếu các hàm $F(x,y,z,u,v);{\rm \; }G(x,y,z,u,v)$ có các đạo hàm riêng liên tục ở lân cận điểm $M_{0} (x_{0} ,y_{0} ,z_{0} ,u_{0} ,v_{0} )$ và nếu $\dfrac{D(F,G)}{D(u,v)} (M_{0} )\ne 0$ thì hệ phương trình \eqref{2.3.3} xác định một cặp hàm ẩn $u=f(x,y,z);{\rm \; }v=g(x,y,z)$ trong một lân cận nào đó của điểm $(x_{0} ,y_{0} ,z_{0} )$, các hàm ấy có trị $u_{0} ,{\rm \; }v_{0} $ khi $x=x_{0} ,{\rm \; }y=y_{0} ,{\rm \; }z=z_{0} $. Nó liên tục và có các đạo hàm riêng liên tục trong lân cận của $(x_{0} ,y_{0} ,z_{0} )$.

Công thức tính đạo hàm của hàm ẩn

Giả sử các giả thiết của Định lý 1 được thỏa mãn, khi ấy hệ thức \eqref{2.3.1} xác định một hàm ẩn $y=f(x)$ liên tục và có đạo hàm liên tục trong một lân cận nào đó của $x_{0}$.

Ta có: $F(x,f(x))=0$. Lấy đạo hàm 2 vế đối với $x$: $F'_{x} +F'_{y} \cdot \frac{dy}{dx}=0$.

Vì $F'_{y} \ne 0$ nên $F'_{x} +F'_{y} \cdot \dfrac{dy}{dx} =0\Rightarrow \dfrac{dy}{dx} =-\dfrac{F'_{x}}{F'_{y}}$.

Ví dụ 10

Cho $F(x,y)=x^{3} +y^{3} -3=0$ xác định $y$ là hàm ẩn của $x$. Tìm $\dfrac{dy}{dx} $.

Ví dụ 11

Cho hệ thức $e^{3} +xy+z^{3} -2022=0$ xác định $z$ là hàm ẩn của $x,y$. Tìm $z'_{x} ;{\rm \; }z'_{y} $.