Các định nghĩa
Ta nói: Trong miền không gian $V$ có một trường vô hướng $u$ nếu tại mỗi điểm $M\in V$ có 1 giá trị xác định của đại lượng vô hướng $u$.
Như vậy: Cho 1 trường vô hướng $V$ trong miền là cho một hàm vô hướng $u$ xác định trong miền ấy.
Ví dụ 1. Sự phân bố nhiệt độ trong một vật thể tạo nên một trường vô hướng trong vật thể ấy.
Mặt mức
Cho trường vô hướng $u(x,y,z),(x,y,z)\in {{\mathbb{R}}^{3}}.$ Tập các điểm $(x,y,z)\in \Omega \subset {{\mathbb{R}}^{3}}$ thỏa mãn phương trình $u(x,y,z)=C,C$ là hằng số, gọi là mặt mức của trường vô hướng ứng với giá trị $C.$
Rõ ràng các mặt mức khác nhau (các giái trị $C$ khác nhau) không giao nhau và miền $\Omega $bị phủ kín bởi các mặt mức. Nếu $\Omega \subset {{\mathbb{R}}^{2}}$thì ta có khái niệm đường mức (đường đẳng trị) cho bởi phương trình $u(x,y)=C$.
Ví dụ 2. Mặt đẳng thế trong trường điện thế là mặt mức.
Chẳng hạn: một điện tích $q$ đặt ở gốc tọa độ gây nên một trường điện thế $u(x,y,z)=\dfrac{q}{\sqrt{x^{2} +y^{2} +z^{2} } }$.
Do đó phương trình của các mặt mức trong trường điện thế (còn gọi là mặt đẳng thế) là: $\dfrac{q}{\sqrt{x^{2} +y^{2} +z^{2} } } =C$ hay $x^{2} +y^{2} +z^{2} =\dfrac{q^{2} }{C^{2} } =R^{2} $.
Vậy, mặt đẳng thế trong trường điện thế là những mặt cầu đồng tâm (tâm $O(0,0,0)$ và bán kính $R=\dfrac{q}{C}$).